Nghị định 23 về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc 2018
Ngày 23/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP (“Nghị Định”) quy định về “bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, nội dung của Nghị Định có một số thay đổi cơ bản và bổ sung như sau:
1. Điều chỉnh tăng tỷ lệ phí đối với một số nhóm ngành có rủi ro cao như gỗ, giầy, các chất có thể cháy nổ hoặc sinh ra chất cháy, nổ.
2. Mức tỷ lệ phí bảo hiểm quy định Nghị Định là mức tối thiểu. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào từng rủi ro của từng cơ sở và theo quy định của pháp luật (điểm a, mục 1, điều 7).
3. Số tiền bảo hiểm tối thiểu: là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
4. Mức khấu trừ bảo hiểm được chia ra thành 2 nhóm (A, B). Theo đó, mức khấu trừ đối với nhóm rủi ro A tối đa là 1%; mức khấu trừ đối với nhóm rủi ro B tối đa là 10% và tối thiểu không thấp hơn mức khấu trừ theo quy định tại Nghị Định.
5. Nâng phạm vi áp dụng đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thay bằng 30 triệu USD trước đây.
6. Bồi thường bảo hiểm:
6.1 Bổ sung việc có thể giảm trừ tối đa 10% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị tại biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ (điểm b khoản 1 Điều 8).
6.2 Công ty bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường khi khách hàng cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ (Điều 6).
6.3 Công ty bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường đối với những khoản tiền phát sinh hay tăng thêm do hành vi gian lận (điểm c khoản 1 Điều 8)
7. Mức thu, nộp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy là 1% tổng số phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề thay bằng 5% số phí bảo hiểm giữ lại trước đây.
8. Hồ sơ bồi thường bồi thường: yêu cầu cung cấp biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tại thời điểm gần nhất xảy ra sự kiện bảo hiểm (bản sao) thay thế cho Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định trước đây.
9. Một số điểm bổ sung liên quan đến trách nhiệm của các bộ, cơ quan có liên quan và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
9.1 Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra giám sát xử lý vi phạm của doanh nghiệp bảo hiểm.
9.2 Bộ công an có trách nhiệm công bố danh sách các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ sở có nguy cơ cháy nổ.
10. Điều khoản chuyển tiếp (điều 16): Các hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ đã giao kết trước ngày 15/04/2018 được tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Nghị Định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2018 thay thế/bãi bỏ:
(i) Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CPngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
(ii) Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính, Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
(iii) Bãi bỏ Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!